Bàn về các Level của BIM
Khái niệm BIM Levels được dựa trên các cấp độ về tính hợp tác giữa người dùng (collaboration) của một quy trình BIM. Có tổng cộng 4 level với level 0 là mức thấp nhất cho đến level 3 là mức cao nhất. Mặc dù cho đến giờ vẫn có những tranh luận về cách chia này nhưng nhìn chung thì hệ thống level này đang được chấp nhận rộng rãi nhất.
BIM Level đánh giá sự “trưởng thành” (maturity) của một quy trình BIM trong việc các tính năng quan trọng nhất của nó đã được tối ưu hóa tới mức nào: Tính hợp tác (collaboration), tính chia sẻ (Sharing), tính liên tác (Interoperability), tính duy nhất (Singularity). Hiện nay thì BIM Level 2 đang là mức được sử dụng phổ biến nhất. Chính phủ Anh gần đây là yêu cầu bắt buộc các dự án công của nước này phải sử dụng ít nhất BIM Level 2 trở lên.
BIM ở Level 0:
Đây là BIM ở dạng đơn giản nhất, và hầu như không cho phép bất kì sự phối hợp nào. Dạng này chủ yếu là CAD 2D sử dụng ngay cho việc chuyển giao thành phẩm dưới các dạng bản in giấy hay bản in điện tử. Đa số các công ty và tổ chức đã qua việc sử dụng BIM ở level này từ lâu.
BIM ở Level 1:
BIM ở cấp độ này bao gồm CAD 3D cho việc lên ý tưởng và CAD 2D cho các dạng thông tin chuyển giao cho việc sử dụng và cho công tác kiểm tra/chấp thuận. Các bản CAD sẽ được quản lý dựa trên tiêu chuẩn BS 1192:2007. Việc chia sẻ/lưu hành các loại thông tin sẽ được diễn ra trong Môi trường Dữ liệu chung (Common Data Environment) quản lý thường bởi nhà thầu.
BIM ở Level 2:
Ở cấp độ này thì BIM đã đạt độ “trưởng thành” hơn trong việc cho phép sự hợp tác giữa nhiều bên. Cấp độ này yêu cầu phải có một quy trình trao đổi thông tin hệ thống áp dụng riêng cho dự án. Trong đó các software phải có khả năng export các loại format thông dụng và một Môi trường dữ liệu chung đặc biệt phải được tạo ra chỉ riêng cho dự án. Tính phối hợp hầu như đã đạt tới “chín muồi” trong giai đoạn này. Tuy nhiên còn thiếu khả năng đồng bộ hóa khi các thông tin và model vẫn còn khá riêng biệt trong từng bộ phận. Đơn cử như một thay đổi xảy ra ở một file bất kì thì để các file liên quan khác được cập nhật tương ứng thì đòi hỏi sự thực hiện thủ công. Chưa thật sự có một nguồn thông tin xác thực duy nhất (single source of truth) để kết nối và minh bạch hóa về thông tin giữa các bên. BIM Level 2 đã được yêu cầu phải sử dụng cho tất cả các dự án công ở Anh gần đây.
BIM ở Level 3:
Đây là cấp độ cho phép khai phá hết tiềm năng thật sự của BIM. Định nghĩa về BIM ở cấp độ này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Người ta cho rằng nó sẽ bao gồm một mô hình với nguồn thông tin xác thực duy nhất và đề cao tính chắc lọc dữ liệu (database-first design). Khái niệm này rất khác so với các phương pháp truyền thống trong diễn họa bằng model. Cụ thể thì sẽ có một bể dữ liệu và tùy yêu cầu của người dùng thì chỉ có các dữ liệu liên quan sẽ được diễn họa. Ví dụ như kiến trúc sư thì chỉ muốn nhìn thấy thiết kế layout và mặt cắt, kĩ sư thì chỉ muốn nhìn thấy hệ thống cột dầm, nhà thầu thì muốn thấy mô hình tổng quan. Tất cả các diễn họa, tuy khác nhau giữa các bên, nhưng đều thuộc một nguồn dữ liệu gốc và vì vậy bất kì thay đổi nào sẽ được cập nhật xuyên suốt toàn hệ thống. BIM ở Level 3 là đỉnh cao của tính cộng tác, trực tuyến, duy nhất, và bao gồm trình tự xây dựng, chi phí và thông tin quản lý vòng đời.
Tổng hợp bởi Jimmy Huy Nguyen
Nguồn: David Gray, “What is BIM Level 2? What is the future of BIM?” Vercator Blog, accessed January 27, 2021, What is BIM Level 2? What is the future of BIM? (vercator.com)